Kỹ thuật Chăm sóc hoa đồng tiền -tận dụng tối đa lượng phân bón

29T 122021
Cập nhật

Chăm sóc hoa đồng tiền tận dụng tối đa lượng phân bón

Đặc điểm thực vật học: Cây hoa Đồng tiền thuộc loại thân thảo, họ cúc.
Thân ngầm, đẻ nhánh, lá và hoa phát triển từ thân, lá dài khoảng 15-25cm, rộng 5-8cm, xẻ thuỳ nông hoặc sâu (tuỳ thuộc từng loại giống), mặt dưới lá được bao phủ lớp lông mịn.

Rễ: rễ chùm, hình ống, phát triển khoẻ, rễ nông và ăn ngang.

Hoa: Hoa dạng hoa tự đơn hình đầu và được tạo bởi hai loại cánh hoa hình lưỡi và hình ống. Cánh hình lưỡi lớn hơn, xếp thành một vòng hoặc nhiều vòng phía ngoài; cánh hình ống nhỏ hơn được gọi là mắt hoa hoặc tâm hoa. Hoa nở theo thứ tự từ ngoài vào trong theo từng vòng một.

Yêu cầu sinh thái của cây hoa đồng tiền

Nhiệt độ: các giống đồng tiền được trồng hiện nay đều thích hợp ở khoảng nhiệt độ từ 15-25 0C. Tuy nhiên có một số giống chịu được nhiệt độ cao hơn có thể trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới có nhiệt độ từ 30-34 0C. Nhiệt độ dưới 120C hoặc trên 350C cây phát triển kém, chất lượng hoa xấu.
Ẩm độ: cây hoa đồng tiền là cây trồng cạn, tuy nhiên khả năng chịu hạn kém, không chịu được ngập úng. Độ ẩm đất từ 60-70%, độ ẩm không khí 55-65% thuận lợi cho cây hoa đồng tiền sinh trưởng, phát triển. Trong quá trình sinh trưởng tuỳ theo thời tiết mà luôn phải cung cấp đủ lượng nước cho cây.

Ánh sáng: yêu cầu cường độ chiếu sáng vừa phải, vì vậy cây hoa đồng tiền có thể trồng trong nhà kính, nhà lưới.

Đất trồng: Cây đồng tiền không đòi hỏi khắt khe về đất. Tuy nhiên đối với cây trồng để sinh trưởng, phát triển tốt thì cần canh tác trên chân đất tơi xốp, hàm lượng mùn cao, thoáng khí, thoát nước tốt, tốt nhất là đất thịt pha cát, độ pH = 6 - 6,5.

Kỹ thuật canh tác:

Cây giống: Chọn cây giống nuôi cấy mô có độ đồng đều cao và cây sạch bệnh, tuổi thọ lâu hơn so với cây tách thân. Các giống hoa đồng tiền hiện nay được trồng chủ yếu là các giống mới nhập nội. Có thể chia làm 2 nhóm giống có mặt tại Đà Lạt: Các giống của Hà lan và giống của Hàn Quốc. Các giống của Hà Lan được chuộng hơn vì hoa to, chiều cao của cành hoa đạt tiêu chuẩn, màu sắc đẹp, đa dạng, giá bán cao.

Làm đất: Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại và tàn dư cây vụ trước, bón vôi (200kg/1000m2), xử lý đất trước khi trồng cây giống 15-20 ngày.

* Lên luống: làm luống rộng 1,3 m cả rò rãnh, cao 25-30 cm, mỗi luống trồng 3

hàng hoặc trồng 2 hàng, trồng theo kiểu nanh sấu.

Phân bón (cho 1000m2 ):

Lượng phân bón NPK ( kg nguyên chất ) cho cây hoa đồng tiền là 20 : 10 : 10.

Bón lót: Phân chuồng: 8m3 , Lân: 100kg rải đều cày bừa để toàn bộ lượng phân trộn đều trong đất.

Bón thúc:

+ Lần 1: (15 ngày sau trồng): 5kg DAP + 10kg urê

+ Lần 2: (30 ngày sau trồng): 10kg Urê.

+ Lần 3: (50 ngày sau trồng): 10kg Urê + 5kg Kali

+ Lần 4: (70 ngày sau trồng): 5kg Urê + 5kg Kali

Bón định kỳ: (giai đoạn kinh doanh)

Cây hoa đồng tiền cho thu hoạch kéo dài 2- 3 năm, nên định kỳ phải bổ sung thêm phân bón. Ngoài ra cần bón thêm phân hữu cơ huoai hoặc phân trùn quế, vi sinh 6 tháng 1 lần với lượng 3m3 kết hợp với vô chân.

Bón định kỳ 1 tháng/lần: 5kg NPK + 5kg Kali hoặc 50 kg phân Duynamiclife.

Ngoài ra cần bổ sung phân vi lượng, phun phân qua lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Kỹ thuật trồng:

Trồng 3 hàng: khoảng cách cây cách cây 35-40cm

Trồng 2 hàng: khoảng cách cây cách cây 30 – 35cm

Đối với cây hoa đồng tiền khi trồng phải để cổ rễ ngang bằng mặt đất. Trồng xong tưới nước đẫm.

Chăm sóc:

Tưới nước: Tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun, nước tưới cho hoa đồng tiền phải sạch và không có nguồn gây bệnh. Cây hoa đồng tiền không ưa ẩm quá nên 2-3 ngày tưới 1 lần

Tỉa lá: Để cây sinh trưởng tốt, thường xuyên phải ngắt bỏ lá già vàng úa, lá sâu, bệnh. Tỉa lá tạo độ thông thoáng cho cây và phòng trừ sâu bệnh.

Phòng trừ sâu bệnh: Trên cây hoa đồng tiền thường có một số sâu bệnh hại như: sâu đất cắn phá lúc cây còn nhỏ; sâu xanh cắn phá thân, lá, hoa; Rầy, rệp, nhện…bám chích hút lá, hoa; bệnh sương mai, bệnh đốm lá, bệnh chết rũ…để phòng trừ sâu bệnh cần thực hiện tốt

Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại xung quanh ruộng để loại bỏ cây ký chủ của sâu bệnh. Thu gom lá già, lá bị sâu bệnh để tiêu huỷ.

+ Bón phân đầy đủ, cân đối N, P, K. Vào mùa mưa nên tăng cường bón kali.

+ Luân canh cây trồng.

+ Sâu bệnh xuất hiện dùng thuốc hoá học để phòng trừ.

Sâu xanh, sâu đất: xử lý đất trước khi trồng cây con, phun Regent, Sumiµ EC, Lannate, Supracide 40ND, Polytrin P 440 EC, ofatox 440 EC. Phun
theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì, phun vào lúc chiều tối. Nhện xuất hiện dùng Nissorun 5EC, Comite 73EC, Sirbon 5EC để phun trừ nhện, phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

Bệnh hại thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết hoặc độ ẩm không khí cao, trời mưa nhiều. Bệnh xuất hiện dùng thuốc BenlatC, Ridomil MZ, Kocide 61.4D, Cantop-M 43SC, Score 250EC, Champion, Anvil.. để phòng trừ.

Thu hoạch: Thời gian thu hái hoa có ảnh hưởng rất lớn tới độ bền của hoa khi cắm bình do đó thời điểm thu hái tốt nhất là khi cuống hoa đứng thẳng, các cánh hoa ngoài mở phẳng ra. Thu hoa vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Thu hái nhẹ nhàng bằng cách cầm gốc cuống hoa bẻ nghiêng cho gãy tại chỗ sát gốc cuống hoa, cắm hoa vào xô nước sạch hoặc dung dịch dinh dưỡng bảo quản đã được pha sẵn để cuống hoa hút no nước, tăng thêm độ cứng của hoa và giúp bảo quản hoa được lâu hơn. Với hoa đồng tiền thường 1 tuần thu hoạch 1 lần, ngày trước khi thu hoạh cần tưới đẫm nước cho cây hoa đồng tiên.

(Nguồn: Ngô Hoài Nam-TTKN- Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng)