Nông dân phấn khởi khi chè Xuân 2022 cho thu nhập cao.

07T 042022
Cập nhật

  Tuy không phải là chè chính vụ, nhưng với việc sử dụng phân bón Lâm Thao hợp lý, đúng lúc cây chè cần, nên vụ chè Xuân 2022 tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đạt năng suất cao, chất lượng tốt và thu nhập của người dân cũng được nâng lên đáng kể. 

Trên các đồi chè tại huyện Thanh Sơn không khí trở nên tấp nập, tiếng nói, cười rộn ràng hơn khi chè búp vụ Xuân năm nay được mùa và được giá. Bên đồi chè tươi tốt với những búp chè non bật lên xanh mơn mởn, chị Nguyễn Thị Lan, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn chia sẻ: Cây chè là nguồn thu nhập chính của gia đình, không những đảm bảo cuộc sống hàng ngày mà còn là nguồn kinh tế để nuôi các cháu ăn học. Do đó, gia đình luôn chú trọng chăm sóc vườn chè để đạt năng suất cao nhất có thể. Nhiều năm qua, gia đình tôi luôn tin tưởng sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao để bón cho cây chè, do đó cây chè phát triển khỏe, búp lên đều, to mập và tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Đặc biệt, chè luôn có hương vị thơm, ngọt, được nhiều khách hàng đặt mua. Bắt đầu từ giữa tháng 2 năm nay, mỗi ngày gia đình tôi thuê 5 nhân lực để hái chè và thu hoạch khoảng 70-80 kg chè tươi. Hiện tại, mỗi cân chè búp tươi có giá bán dao động từ 4.500- 5.000 đồng/kg. Dự kiến vụ chè Xuân năm nay thu khoảng 9 tấn chè búp tươi. 

Để đảm bảo vụ chè Xuân cho năng suất, hiệu quả kinh tế, ngay từ cuối năm 2021, các hộ trồng chè đã tiến hành đốn, sửa chỉnh tán chè, chuẩn bị phân bón Lâm Thao và tính toán thời gian đốn chè để bước sang năm mới có thời gian thu hái chè thuận lợi. Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, vụ chè Xuân năm 2022 dự kiến đem lại lợi nhuận cao cho nông dân trồng chè nơi đây.
Huyện Thanh Sơn là một trong những địa phương của tỉnh Phú Thọ được thiên nhiên ưu đãi với các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho cây chè phát triển cùng với kinh nghiệm canh tác và chế biến của người dân bản địa đã tạo nên thương hiệu chè nổi tiếng, được nhiều người biết tới, tin dùng.

Xác định chè là cây trồng mũi nhọn của địa phương, huyện Thanh Sơn đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh, thực hiện việc sản xuất theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất kinh doanh chè. Được biết, hiện nay, toàn huyện Thanh Sơn có khoảng 2.500 ha chè, trong đó có trên 2.300 ha đã cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các xã như: Địch Quả, Thục Luyện, Sơn Hùng, Văn Miếu, Võ Miếu, Yên Sơn. Năng suất bình quân đạt 116 tạ/ha, sản lượng đạt 27.000 tấn. 
Theo lịch thời vụ, kết thúc thu hoạch lứa chè Xuân vào tháng 4 sẽ đến chè chính vụ, những người trồng chè tại huyện Thanh Sơn đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thu hái đến đâu, phòng trừ dịch bệnh, bón phân Lâm Thao chăm sóc đến đó, đảm bảo tiếp tục có những lứa chè mới chất lượng, được giá, giúp nhiều hộ dân trồng chè có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.


Hoa Mua