Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gấc

29T 122021
Cập nhật
Gấc là một loại cây bán hoang dại, cây leo và chu kỳ gieo trồng đến thu hoạch là 9 tháng đến 1 năm. Hiện nay gấc đã được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, chiết xuất dầu gấc với thành phần vitamin A và E khiến giá trị loại cây này ngày càng tăng cao

Đất trồng: để có năng suất cao nên chọn đất tốt ( đất phù sa), thoát nước. Cuốc xới để ủ nơi định trồng với khoảnh đất khoảng 1m2, sâu độ khoảng 40-60 cm.

Quy mô hộ gia đình: Tận dụng đất, trồng gấc sát cạnh rào, bên gốc cây đa, ở bờ ao hay gốc bờ tre… hoặc các cây nào đó làm cộc cho gấc leo cao.
Quy mô lớn: Chọn địa điểm, chọn đất có điều kiện thuận tiện và làm cho giàn gấc leo. Gấc ưa đất mát, bằng phẳng, tiện sông suối để tưới nước. Gấc trồng thành từng hàng thẳng, mỗi cây cách nhau khoảng 3-4m và hàng nọ cách hàng kia khoảng 4 – 5m.

Thời Vụ

 Miền Bắc: Nên trồng vào tháng 2-3 dương lịch.
 Miền Nam & Tây Nguyên : Trồng vào đầu mùa mưa, nơi đất ẩm, sẳn nước tưới. 

Thiết Kế Giàn Leo

Trồng gấc cũng như trồng mướp, trồng bầu, cần phải đào hố hoặc đào rãnh trồng và làm giàn cho dây gấc leo mới có nhiều trái. Trong sản xuất gia đình nào cũng có thể cho gấc bò lên các cây thân gỗ trong vườn đã bị chết khô hoặc bò phủ tán các cây thân mọc còn sống nhưng năng suất không cao, dây gấc leo càng cao thì càng ít qủa,…cho leo ngang quả nhiều hơn.
Trồng tập trung cần chú ý: Tìm hướng cho hàng gấc để tránh gió bão làm đỗ.
Tùy từng địa phương và địa hình, địa vật. Làm giàn hoặc làm giậu làm sao để hướng gió đi vào giữa hai giậu gấc.

Cách làm giậu (đối với vùng đất đồi núi)

Trên một đường thẳng theo hướng gió đã chọn, trồng những cây để làm cọc (như cây gạo, phượng tre, bưởi..) cách 3m trồng 1 cây. Năm đầu và năm thứ hai có thể đóng cọc xen những cây đó để làm giậu. Năm thứ ba những cây kia lớn sẽ thay thế cho cọc.
Khi cây gấc phát triển mạnh phải chặt ngọn các cây trồng làm cọc chỉ để phần thân cây cao bằng với tay người lớn (Nếu có điều kiện thì nên dùng trụ bê tông thì tuổi thọ vĩnh viễn và năng suất cao). 

Làm giàn

Giàn có thể dựng bằng các cây tạp, tre nứa hoặc cột bêtông. Bên trên gác các cành tre hoặc đan bằng dây thép hoặc dùng dây cước một sợi (đường kính dây khoảng 2mm) đan thành lưới (kích thước mắt lưới: 40cmx40cm), sau đó căng lên giàn. Giàn bằng lưới cước chi phí thấp và có thể giữ được từ 3-5 năm. Cách làm này đang đươc triển khai rộng rãi ở các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình … cho hiệu quả kinh tế cao.

Kỹ thuật chăm sóc

Chăm sóc cây gấc: Khi cây mọc dài khoảng 30-40 cm. Theo dõi bắt ngọn leo vào giậu hoặc lên giàn và thường xuyên bắt các ngọn phân tán đều trên giàn; kiểm tra các gốc xem gốc nào có nhiều quả để sau năm thứ nhất giử lại.
Cuối mùa hoa, cắt bớt các giậu con cụt không có hoa để giậu được nhẹ bớt và nhựa cây tập trung nuôi quả. Thường xuyên làm cỏ, xới nhẹ đất quanh gốc cách gốc 25-30cm để kích thích rễ phát triễn.

Tưới và thoát nước

Cây gấc cần đất đủ ẩm nhưng rất sợ úng do đó phải tưới đủ nước và thoát nước ở gốc cây cho tốt.
– Cây rất cần nước nhiều nhất ở giai đoạn ra hoa và phát trển trái. Thiếu nước trong giai đoạn này sẽ làm hoa rụng, trái phát triển kém, năng suất thấp. Độ ẩm thích hợp để trồng gấc là 70-80% độ ẩm tối đa.
– Ngoài các biện pháp chăm sóc bón phân, tưới đủ nước trong gia đoạn cây ra hoa phát triển trái, kỹ thuật phun một số chất kích thích tốt trong giai đoạn cây còn nhỏ có 1-2 lá thật cũng làm tăng số hoa cái trên cây. Các hóa chất thường dùng là NAA ( Naphthalen acetic acid) phun ở nồng độ 25 – 100 ppm cho kết quả tốt

Thụ phấn nhân tạo

Gấc là cây lưỡng tính: hoa đực và hoa cái cùng trên một dây, hoặc trên các dây của cùng một gốc. Việc thụ phấn chủ yếu nhờ gió, sâu bọ, ong bướm,… Để tăng năng xuất, người ta tiến hành thụ phấn nhân tạo. Một trong những cách làm hiệu quả đó là dùng bông ướt lấy phấn trên đầu nhị của hoa đực bôi đều lên đầu nhuỵ của hoa cái vào thời điểm hoa đực và hoa cái đã nở đều.

Xử lý để gốc gấc & dây gấc

Trong điều kiện thời tiết bình thường sau khi hái trái gần xong vào khoảng cuối tháng 2 dương lịch ở Miền Bắc cây gấc đã rụng lá gần hết, dùng dao hay kéo cắt cành để chặt hoặc cắt dây gấc đi chừa một đoạn gốc dài 40-60cm trên mặt đất, sau đó đào hố hình vành khăn rộng 20 cm sâu 10 cm cách gốc 25-30 cm bón phân rồi lấp đất lại và tưới nước để gốc tái sinh chồi mới.
Mỗi năm cắt dây 1 lần; sau 3-4 năm gốc gấc rất to sẽ cho nhiều trái nếu chăm sóc tốt. Còn ở khu vực Tây Nguyên, Miền Nam: Do đặc điểm khí hậu, các yếu tố chất đất tạo nên, Gấc có trái quanh năm. Để có năng suất cao và trái to, trong quá trình chăm bón chọn những dây Gấc không có hoa, nhỏ, sợi dài cắt tỉa hoặc dây Gấc trái quá nhỏ, ít trái cắt tỉa để dây Gấc ra dây mới có khả năng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và cho năng suất cao hơn.
Sau mỗi lần tỉa cánh thì tưới nước và phun thêm một lượng phân bón lá GV 16-16-8 để thân và lá phát triển mạnh và tăng khả năng ra hoa, ra trái nhiều (phun vào buổi chiều khi mặt trời lặn) và phải duy trì được độ ẩm của đất 80 – 85%.