Tem thông minh và ® trên logo ba cành cọ Lâm Thao

11T 122021
Cập nhật
Giữa lúc cả nước đang gồng mình chống đại dịch Covid-19 và mọi hoạt động sản xuất kinh doanh gần như tê liệt, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tranh thủ dồn lực giải quyết dứt điểm nạn làm giả và nhái các sản phẩm phân bón truyền thống của Công ty, ông Phạm Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho hay. Từ đầu năm 2021, công ty đã hiện thực hóa dấu mốc hiếm có là dán tem thông minh gắn mã QR, đồng thời in ký hiệu bản quyền ® lên logo ba cành cọ. "Điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng từ giờ trở đi có hai công cụ nhận diện sản phẩm chính hãng ", ông Tùng nói.

Liên tục nhái nhãn mác bao bì của Supe Lâm Thao

"Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phân bón nên, từ lâu, sản phẩm của công ty luôn là mục tiêu để các đối tượng làm phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng nhắm tới", ông Văn Khắc Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho biết. Công ty đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu logo ba cành cọ từ ngày 21/11/1992, hiện tượng nhái mẫu bao vẫn xảy ra, tuy logo có khác đôi chút. Theo ông Phạm Đức Thành, Phó Trưởng phòng Kinh doanh, năm 2013 phân NPK-S 12-5-10 đã bị nhái mẫu bao bì. Đầu năm 2017, công ty thay đổi chất liệu bao bì đồng thời thiết kế mẫu bao mới. Gần như ngay sau đó, thị trường đã xuất hiện bao bì và hình thức tương tự Supe Lâm Thao mà ruột thì không phải. "Logo của chúng tôi ba cành cọ thì họ để năm cành cọ, hoặc ba lá gì đó bố trí giống ba cành cọ", ông Thành nói.

Bà Đoàn Thị Thời ở xã Sơn Hạ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, dùng sản phẩm của Supe Lâm Thao dễ đến hơn chục năm. "Ấy vậy mà tôi vẫn từng bị nhầm". Cách đây hơn năm, bà đến một cửa hàng bán lẻ mua một bao phân NPK 12-5-10 của Supe Lâm Thao. "Lúc đem ra ruộng bón, nhìn kỹ lại mới thấy không phải của Supe Lâm Thao", bà Thời than phiền.
Gần đây, anh Nguyễn Tuấn Anh ở Đông Sơn (Thanh Hóa), điện thoại về bộ phận chăm sóc khách hàng của Supe Lâm Thao lại hỏi "cách phân biệt phân bón Supe Lâm Thao với các sản phẩm phân bón của đơn vị khác".

Mẫu tem thông minh gắn trên bao bì phân bón Supe Lâm Thao. Hình ảnh: T.N.

Tem thông minh gắn mã QR

Từ tháng 01/2021, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao áp dụng tem thông minh gắn mã QR cho sản phẩm phân bón. Theo ông Trần Đại Nghĩa (Trưởng phòng Kỹ thuật, An toàn và Môi trường của Công ty), dù tăng chi phí, nhưng áp dụng tem giúp công ty quản lý tới từng sản phẩm, đặc biệt là giúp phân biệt hàng nhái, hàng giả, và triển khai các chương trình khuyến mại đến tận tay người sử dụng sản phẩm.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Hương phụ trách bộ phận thí nghiệm sản xuất đang kiểm tra tem trên bao bì sản phẩm, ngày 01/10/2021. Ảnh: T.N
 
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Toan Vân (đại lý cấp 1 phân bón Lâm Thao tại tỉnh Thái Bình), Mai Thị Tươi, không chỉ kinh doanh phân bón Lâm Thao, chị còn có nông trại rộng sáu hecta và liên kết một số nông trại khác với tổng diện tích hơn 20 hecta, thuộc hệ thống nông trại ViTaDeli - nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình. Đáng nói ở chỗ, toàn bộ mạng lưới nông trại này, chị Tươi chia sẻ, đều sử dụng chủ yếu phân bón Lâm Thao để hỗ trợ các loại nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. "Supe Lâm Thao sử dụng tem thông minh, tôi cảm thấy yên tâm hơn", chị Tươi tâm sự.

Chị Mai Thị Tươi quét tem kiểm tra sản phẩm phân bón Lâm Thao tại cửa hàng phân bón của Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Toan Vân, ngày 15/9/2021. Ảnh: Nguyễn Huy Tưởng.
 
"Supe Lâm Thao là doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tiên ở Việt Nam sử dụng tem thông minh có gắn mã QR cho sản phẩm có truyền thống 59 năm của mình", ông Phạm Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.
 

Gắn chữ ® lên logo ba cành cọ

Cũng từ tháng 01/2021, song song với gắn tem thông minh có mã QR cho sản phẩm, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bổ sung chữ ® phía trên, bên trái logo ba cành cọ, nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, lên bao bì sản phẩm của công ty.
   
 
Logo ba cành cọ gắn chữ ® trên bao bì một số sản phẩm phân bón Lâm Thao. Hình ảnh: T.N.
 
"Chữ ® là viết tắt của từ "Registered" có nghĩa "đã được đăng ký", quy ước quốc tế chứng minh các dấu hiệu mà nó đi kèm đã được bảo hộ. Logo ba cành cọ của Supe Lâm Thao chứa chữ ® cho thấy Supe Lâm Thao đã đăng kí sở hữu trí tuệ nhãn hiệu này và nó được cơ quan nhà nước công nhận bảo hộ. Nhãn hiệu chưa đăng ký bảo hộ không được phép sử dụng ®", Cử nhân luật Nguyễn Văn Lập, Phó Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. 

 

Đọc các thông tin hiển thị sau khi quét tem phân bón Lâm Thao tại cửa hàng, chị Tươi nói: "Bây giờ hầu như ai cũng dùng smartphone, quét tem vừa biết chuẩn hàng chính hãng, vừa biết các chương trình khuyến mại". Chị nói thêm: "Có thể làm giả bao bì, giả nhãn hiệu, chứ không thể làm giả tem".

Về chữ ®, bà Đoàn Thị Thời ngắm nghía vòng tròn nhỏ trên lolo ba cành cọ một lúc rồi nói: "Càng nhiều dấu hiệu hàng thật, càng có lợi cho chính mình, thì chả có lý do gì không quan tâm dù lúc đầu chưa quen. Nó tiện ở chỗ, khi trong tay không có điện thoại thông minh, thì nhận diện bằng chữ ®". Bà nhấn mạnh: "Chỉ sản phẩm của Supe Lâm Thao mới có tem, và ba cành cọ mới có ®. Còn lại đích thị hàng giả".

Bà Thời tại cửa hàng bán phân bón Lâm Thao: "Chỉ sản phẩm của Supe Lâm Thao mới có tem, và ba cành cọ mới có ®". Ảnh: Nguyễn Huy Tưởng.
 
Bà mong sau dịch Covid-19, công ty mở thêm các lớp tập huấn hướng dẫn khách hàng kỹ hơn về cách dùng trên từng loại cây cụ thể. "Đấy cũng chính là phần việc chúng tôi đang chuẩn bị, chắc chắn trong đó có tỉnh Thái Bình", ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho biết.
 
Xử lý vi phạm khi sử dụng logo có chữ ® chưa đăng ký bảo hộ được quy định tại Thông tư 11/2015/ TT – BKHCN:

“Điều 7: Hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

1. Hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là việc sử dụng thông tin chỉ dẫn gây hiểu sai lệch rằng đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mặc dù không được hoặc chưa được bảo hộ, kể cả trường hợp đối tượng đó tuy đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc văn bằng bảo hộ đã bị huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời hạn bảo hộ, ví dụ:
a) In trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ như: “nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền”, “nhãn hiệu đã được bảo hộ”, “nhãn hiệu thuộc độc quyền của…”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ ® (chỉ dẫn về việc nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu);”
 
Thúy Nga