Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc lá

29T 122021
Cập nhật

Theo hướng dẫn của TS Bùi Huy Hiền

Cây thuốc lá: Tên khoa học là  Nicotiana tabacum L, họ Cà (Solanaceae).

Ở Việt Nam Các vùng trồng nhiều thuốc lá: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, An Giang v.v. Nhìn chung phẩm chất nguyên liệu chưa cao, tỷ lệ lá loại1,2,3 còn thấp, chỉ đạt 30-35%, hàm lượng nicotin < 2%.

Đặc điểm sinh lý

Thời gian sinh trưởng khoảng 110 -125 ngày.

Thời kỳ cây con trong vườn ươm: chia 4 giai đoạn.

1)  Giai đoạn từ gieo đến mọc: tính từ khi hạt hút ẩm nứt nanh  4-5 ngày;  rễ cắm xuống đất và phôi mầm phát triển 4-6 ngày, sau đó 2 lá mầm nhú ra ngoài. Điều kiện thích hợp: nhiệt đô không khí tối thiểu 130C, tối đa 340 C, thích hợp  25 - 280C; độ ẩm đất  70 - 80%.

2)  Giai đoạn chữ thập: 2 lá mầm xuất hiện được 6-7 ngày thì lá thật thứ nhất xuất hiện. Khi kích thước của 2 lá mầm và 2 lá thật tương đương nhau, cây có dạng chữ  thập. Điều kiện thích hợp:  độ ẩm đất: 70%.

3) Giai đoạn phát triển rễ:  sau giai đoạn chữ thập,  rễ phát triển nhanh hơn thân lá. Cuối giai đoạn này cây có 4-5 lá thật và rễ ăn sâu 15 cm. Điều kiện thích hợp: độ ẩm đất: 60 - 65%.  Cần bón đủ phân lân và kali, hạn chế bón đạm.

4) Giai đoạn hình thành “con thuốc”: thân lá phát triển nhanh. Điều kiện thích hợp: độ ẩm đất 60 - 65%. Cần bón phân đầy đủ.

Thời kỳ vườn ươm để đạt tiêu chuẩn xuất vườn, cây con cần 40-50 ngày trong vụ đông,  50-60 ngày trong vụ xuân.

Thời kỳ trồng ra ruộng sản xuất: chia 5 giai đoạn.

 1) Giai đoạn phục hồi sinh trưởng: Khoảng 5-7 ngày sau khi trồng, cây phục hồi khả năng hoạt động của rễ cũ, hình thành thêm rễ mới, lá non phía ngọn chuyển từ trạng thái mềm sang thế thẳng đứng. Điều kiện thích hợp:  độ ẩm đất 60%.

 2) Giai đoạn phát triển rễ: Thời gian kéo dài khoảng 20 - 25 ngày, rễ phát triển mạnh  chủ yếu tập trung ở tầng 15-30 cm, thân lá sinh trưởng chậm. Điều kiện thích hợp: độ ẩm đất 60%. Cây cần đủ ẩm và dinh dưỡng.Cần bón lót đủ phân, bón thúc sớm.

3) Giai đoạn phát triển thân lá: Tính từ sau giai đọan  ra rễ đến lúc cây ra nụ hoa. Chia thành 2 giai đoạn nhỏ:

Giai đoạn “Tròn mình”: tăng số lượng lá trên cây, bình quân 2 ngày ra được 1 lá, kết thúc phân hóa lá, chuyển sang phân hóa hoa quả. Kết thúc giai đoạn này có số lá ổn định, chiều cao thân và diện tích lá tăng chậm. tùy theo đặc điểm từng giống, điều kiện ngoại cảnh, kỹ thuật canh tác mà thời gian tồn tại của 1 lá trên cây khoảng 35- 45 ngày.

Có các loại lá sau:  lá chân xuất hiện đầu tiên, chiếm 10% là loại lá nhỏ, phẩm chất kém; lá nách dưới chiếm 15% chủ yếu thu hoạch ở lứa đầu, có phẩm chất trung bình khá; lá trung châu ở tầng giữa chiếm  40% có kích thước to, mỏng đều, mịn cho phẩm chất tốt nhất; lá nách trên chiếm 25%, phẩm chất tương đối tốt; lá ngọn chiếm 10%, lá  nhỏ phẩm chất kém ít khi được thu hoạch. Những lá cho thu hoạch gọi là lá kinh tế.

Từ khi cây thuốc tròn mình đến khi ra nụ hoa: diện tích lá và chiều cao thân tăng nhanh. Diện tích lá và sản phẩm quang hợp đạt cao nhất vào giai đoạn hình thành nụ, sau trồng khoảng 60-70 ngày, sau đó giảm dần. Điều kiện thích hợp: độ ẩm đất 80%. Để tăng năng suất lá cần đảm bảo độ ẩm, đủ dinh dưỡng, mật độ hợp lý.

4) Giai đoạn chín của lá: Từ khi cây ra nụ đến khi thu hoạch hết lá. Sau trồng khoảng 60-70 ngày bắt đầu thu hoạch, 10-12 ngày thu một lứa, thu 5 lá dưới. Để tập trung dinh dưỡng nuôi thân lá, thường áp dụng biện pháp ngắt ngọn, đánh chồi. Điều kiện thích hợp: trời khô hanh, độ ẩm đất 65%.

5) Giai đoạn quả chín: Đối với thuốc lá trồng lấy hạt giống. Trong một thời gian ngắn trên đỉnh xuất hiện 3 -5 lá nhỏ xếp sít nhau thì chùm hoa chuẩn bị xuất hiện.Hoa trung tâm nở trước, sau đó các hoa trên nhánh thứ cấp. Hoa nở theo quy luật từ  trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Để bảo đảm chất lượng hạt giống thường loại bỏ những hoa nở đầu và cuối.Sau trồng khoảng 60 -70 ngày cây ra hoa.Sau khi hoa nở được 25 -30 ngày thì quả chín. Điều kiện thích hợp:  trời khô hanh,  độ ẩm đất 65%.

Thời vụ

Miền Bắc: Vụ đông xuân- vụ chính:  gieo ươm tháng 11 đến ngày 15 tháng 12;  trồng trong các tháng 1, 2; thu hoạch trong các tháng 3, 4, 5  năm sau. Vụ thu đông:  gieo ươm  tháng 8 đến ngày 15 tháng 9; trồng tháng 10 đến ngày 15 tháng 11; thu hoạch tháng 1, 2  năm sau. Sau đó để chồi như chính vụ.

Mật độ

+ Ươm cây giống: lượng hạt cần gieo g/m2 = (0,3 * 80)/ B, trong đó B là tỷ lệ nảy mầm thực tế. Tỉa những chỗ quá dày khi cây có 3 lá thật; tỉa để cây cách nhau 2 cm khi cây có 5- 6 lá thật; sau đó tỉa để cây cách nhau 4 cm, mật độ 400-450 cây/m2 mặt luống. Khi cây có lá lớn,  diện tích lá:  2,5 - 3 cm2.

+ Trồng sản xuất: thuốc lá sợi vàng giống cũ:  3,7 – 4,2 cây/m2,  khoảng cách cây 50 cm * 40 cm;  50 cm * 50 cm;  60 cm * 40 cm;  70 cm * 30 cm, trồng hàng đơn.  Giống mới cao cây, lá dài: 2,2-2,5 cây/m2; khoảng cách 80 cm * 50 cm. Giống mới C176, K326, Flue - Crued - Virgina: 1,5 - 2,0 cây/m2; khoảng cách 100 - 120 cm  * 50 - 55 cm.

Đất trồng: thuốc lá được trồng trên vùng đất bạc màu, đất phù sa ven sông suối, đất vùng trung du, miền núi. Trồng thuốc lá trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, cát pha, tơi xốp, thoát nước có độ phì nhiêu thấp cho phẩm chất tốt hơn trên đất có thành phần cơ giới nặng, giàu dinh dưỡng. Đất trồng thuốc lá không được luân canh sau cây họ cà như ớt, khoai tây, cà quả, cà chua; luân canh tốt nhất là với lúa nước. Đất có pH 6,5 - 7; chất hữu cơ< 2%; vôi < 0,30%.  Không nên trồng  thuốc lá trên  các loại đất bị nhiẽm mặn, đất nặng, đất sét khó thoát nước.     

Cơ cấu cây trồng: Lúa hè thu - Thuốc lá thu đông; Lúa mùa - Thuốc lá đông xuân; Lúa hè thu - Thuốc lá thu đông - Thuốc lá để chồi.