KINH NGHIỆM CHỐNG RÉT CHO CÂY LÚA VỤ CHIÊM XUÂN

22T 022022
Cập nhật

   Hiện nay các tỉnh miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh với cường độ mạnh, gây rét đậm, rét hại. Để chủ động chăm sóc và phòng, chống rét cho lúa trong giai đoạn hiện nay bà con nông dân cần lưu ý:
1. Đối với diện tích lúa đã cấy:
    Tuyệt đối không bón thúc đẻ nhánh cho lúa xuân muộn trà trong giai đoạn hiện nay và trong những ngày có giá rét nhiệt độ trung bình ngày xuống thấp dưới
15ºC. Đối với những diện tích lúa xuân muộn trà 2 cấy sau Tết Nguyên Đán, do lúa mới cấy xong gặp trời rét đậm, cây lúa có biểu hiện nằm im, không phát triển, nhiều diện tích lúa có thể bị bệnh nghẹt rễ sinh lý do giá rét. Để phòng, chống rét cho lúa, bà con nông dân nên bón bổ sung phân Supe lân Lâm Thao với lượng 8-10 kg/sào để giữ ấm và kích thích cho rễ lúa phát triển. Thường xuyên duy trì mực nước ổn định 1-2 cm trên ruộng, tuyệt đối không để ruộng bị khô cạn hoặc để mực nước quá sâu. Sau khi kết thúc đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ bình quân trong ngày trên 15ºC, kiểm tra thấy lúa bén rễ, hồi xanh thì tiến hành bón thúc phân cho lúa đẻ nhánh với lượng phân bón như sau: bón phân NPK-S Lâm Thao 12.5.10-14 với lượng 10-12 kg/sào, kết hợp làm cỏ, sục bùn cho ruộng lúa.
2. Đối với những diện tích chưa cấy:
    Bà con nông dân nên ngừng cấy và có các biện pháp bảo vệ và giữ ấm cho mạ, sau đợt rét khi nhiệt độ ấm lên đạt nhiệt độ bình quân trong ngày trên
15ºC thì tiếp tục cấy hết diện tích còn lại đảm bảo kế hoạch sản xuất của địa phương.

                                                                                               Mạnh Hùng