Kỹ thuật trồng tỏi Lý Sơn trên nền đất núi lửa với phần bón NPK

29T 122021
Cập nhật

Lý Sơn là một huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 30 km về phía đông bắc. Lý Sơn có diện tích gần 10 km2, trong đó đồi núi chiếm gần 2/3 diện tích với dân số hiện nay gần 22 ngàn người.

Đảo Lý Sơn được hình thành từ sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa.

Theo Viện Địa Chất - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì Lý Sơn có tới 10 miệng núi lửa. Trong đó, có sáu miệng núi lửa ở đảo Lớn, một miệng ở đảo Bé, ba miệng núi lửa ngầm dưới mặt biển.

Trên bờ có năm hòn núi dạng bát úp được hình thành do hoạt động của núi lửa với núi Thới Lới có đỉnh cao nhất (169 m). Xung quanh các chân núi, địa hình có dạng bậc thềm.

Dạng địa hình nguồn gốc núi lửa chiếm tới 70% diện tích đảo. Qua hàng triệu năm phong hóa từ dung nham núi lửa đã hình thành nên nền đất đỏ bazan chứa nhiều khoáng chất.

Đây chính là yếu tố cơ bản để tạo nên hương vị thơm ngon và nhiều dược tính quý cho củ tỏi được trồng trên đảo Lý Sơn.

Quy trình canh tác tỏi Lý Sơn trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu cải tạo đất. Tuỳ theo chân đất và điều kiện canh tác có thể từ một hoặc ba năm thay đất một lần. Để thay đất, người dân Lý Sơn cào lớp cát trên mặt khoảng 1-2 cm và lớp cát mặt này sẽ được dùng lại. Kế đến là cào bỏ đi lớp cát pha lẫn lớp đất đỏ bazan đã cũ và ngã sang màu nâu vàng. Dưới lớp cát pha này là chân đất với lớp đất dỏ bazan được đầm chặt.

Để chuẩn bị cho vụ tỏi mới, người dân Lý Sơn sẽ bón lót một lớp phân hữu cơ hoặc cộng với lá cây, phân NPK, tiếp theo trải một lớp đất đỏ bazan dày 1-2 cm mới lên trên lớp phân hữu cơ, sau đó đầm chặt. Lớp đất đỏ bazan này được lấy từ trên núi hoặc đào dưới hầm lên ở độ sâu từ 30 cm đến 2-3 m

Đào đất đỏ bazan từ lòng đất
                                                                   Đào đất đỏ bazan từ lòng đất

 Sau khi lớp đất đỏ bazan được đầm chặt, rãi lớp cát cũ (được cào ra ở bước đầu tiên) đều khắp mặt rẫy, rồi phủ lên một lớp cát san hô mới dày từ 1-2 cm. Lớp cát san hô này được lấy trực tiếp từ ngoài bờ biển sau khi được ray để loại bỏ các chất có kích thước lớn lẫn trong cát. Ngày trước, bãi biển Lý Sơn có nhiều cát trắng nhưng qua nhiều năm, nông dân lấy cát để trồng hành tỏi nên bây giờ cát được hút ngoài khơi của đảo.

 Hương vị thơm ngon đặc biệt của củ tỏi Lý Sơn có được là nhờ lớp đất đỏ bazan chứa nhiều khoáng chất cộng với quy trình cải tạo đất, quá trình canh tác kỳ công, sự cần mẫn, chăm chỉ và chịu khó người dân nơi đây. Nghề trồng hành tỏi là nghề truyền thống lâu đời của người dân trên hòn đất đảo xinh đẹp. Mặc dù vậy phương pháp canh tác này thải ra môi trường phần cát lẫn đất trong quá trình thay lớp đất mới gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quá trình thay đất có sử dụng cát hút từ vùng biển quanh đảo Lý Sơn gây nên xói mòn ảnh hưởng đến môi trường biển và hệ sinh thái vùng biển quanh đảo. Do vậy, để nghề trồng hành tỏi trên đảo Lý Sơn phát triển bền vững cần có giải pháp lâu dài để hạn chế tình trạng này.
 
https://lysonsahuynhgeopark.com/vi/news/goc-trao-doi/gioi-thieu-ky-thuat-trong-toi-ly-son-tren-nen-dat-nui-lua-36.html#:~:text=Ru%E1%BB%99ng%20t%E1%BB%8Fi%20xanh%20ng%C3%A1t%20h%E1%BB%A9a%20h%E1%BA%B9n%20cho%20m%C3%B9a%20b%E1%BB%99i%20thu

 Ruộng tỏi xanh ngát hứa hẹn cho mùa bội thu