Phân hữu cơ khoáng Lâm Thao bón ruộng nước chìm ngay

11T 122021
Cập nhật
Với nghề chính là trồng lúa nước, ông Mai Hồng Diệp ở xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình, cho biết vụ lúa chiêm vừa qua bội thu nhờ phân hữu cơ khoáng Lâm Thao.

Quải đều trên khắp bề mặt ruộng
Từng sử dụng phân hữu cơ khoáng dạng bột bón cho lúa, ông Diệp thấy "sau mỗi vụ gặt, đất ruộng có vẻ giữ được màu mỡ, không giống như hồi bón nguyên bằng phân vô cơ". Có điều, dạng bột chẳng chìm hết ngay, mà phần chìm phần nổi. Gặp trời mưa, phần nổi theo nước tràn bờ trôi đi. Mỗi lần bón lại nơm nớp lo mưa ngay sau đó.
Đầu năm 2021, ông mua sản phẩm mới của Lâm Thao tại Công ty CP TMTH Toan Vân (đại lý cấp I của công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao): "Hạt tơi rời nên quải được đều trên khắp bề mặt ruộng. Nó chìm luôn, mưa nắng giờ đây đỡ lo thất thoát".


Ông Mai Hồng Diệp mua phân hữu cơ khoáng Lâm Thao (loại HCK 2-4-2+2S+TE) tại đại lý Toan Vân, ngày 23/8/2021. Ảnh: Nguyễn Huy Tưởng.
 
Theo thạc sỹ Quản Viết Bính, nhóm nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ khoáng Lâm Thao, thành phần chủ yếu của phân hữu cơ khoáng là các khoáng đa lượng và mùn hữu cơ. Loại mùn này đã được hoạt hóa khử các chất độc hại, gia tăng các chất có lợi và các chủng vi sinh có ích cho đất và cây trồng. Trong quá trình sản xuất phân hữu cơ khoáng, mùn hữu cơ được nghiền mịn. Ở dạng bột, một phần bột mùn này tỷ trọng nhẹ hơn nước. Thả xuống nước, nó nổi cho đến khi ngấm nước, khối lượng riêng đủ nặng mới dần chìm xuống. Dạng hạt vê viên qua sấy trở nên cứng chắc. Tỷ trọng lớn hơn nước khiến nó chìm ngay khi bón.
Đóng bao sản phẩm tại dây chuyền sản xuất phân hữu cơ khoáng Lâm Thao, ngày 26/8/2021. Ảnh: T.N.
 

Không phải mua nước cùng phân
Ông Văn Khắc Minh, Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật (Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao): sau khi cải tiến, phân hữu cơ khoáng Lâm Thao dạng hạt được sấy khô, độ ẩm chỉ còn 15÷17% H­2O.
Kết quả phân tích chất lượng sản phẩm tháng 6/2021 từ Phòng Quản lý Chất lượng (phòng thí nghiệm có chứng chỉ công nhận hợp chuẩn VILAS 134) cho thấy chi phí mua phân hữu cơ khoáng Lâm Thao ít hơn so với sản phẩm cùng loại trước đó do độ ẩm giảm từ 25% nước (Phù hợp Quyết định của Bộ NN& PTNT công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam) xuống còn 15÷17%.

 

Giảm số lần bón phân và bơm thuốc sâu

Là địa phương có truyền thống trồng lúa nước, trong vụ xuân năm 2021 Hội Nông dân Xã Vũ Lạc, Thành phố Thái Bình, Tỉnh Thái Bình, đã thực hiện mô hình sử dụng phân bón của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho cây lúa. Phân sử dụng trong mô hình là phân hữu cơ khoáng phối hợp phân NPK hàm lượng cao.
Đánh giá kết quả mô hình, báo cáo của Hội Nông dân Xã Vũ Lạc có đoạn: lúa tốt đều, giàn lúa cây cao; đẻ nhánh khỏe, tập trung; rễ dài, màu trắng; lá màu xanh đậm, dày, hình lòng mo thẳng đứng, giữ được đến cuối vụ; chiều cao cây 100 ÷ 110 cm, cứng cây, chống đổ tốt; đất được cải tạo tốt, có độ mềm; có khả năng chịu sâu bệnh (không bị bệnh khô vằn, đạo ôn, bạc lá; giảm sâu so với đại trà 50%); tỷ lệ hạt lép 0,2%, năng suất thực thu 310 kg/sào.
Trong phần đánh giá hiệu quả kinh tế, báo cáo cho biết tiếp: giảm các chi phí: nhân công, phân, thuốc trừ sâu (do không phải bón phân nhiều lần và giảm số lần bơm thuốc trừ sâu); tạo dàn lúa đồng đều, chống đổ cây, tăng năng suất (tăng lượng hạt chắc trên bông); giảm ô nhiễm môi trường (giảm lần bơm thuốc trừ sâu); dễ chăm bón; có được sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe (do hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật).

Chả cần cho đất nghỉ, rau vẫn lên xanh tốt

Cùng ở xã Vũ Lạc, ông Diệp không chỉ dùng phân hữu cơ khoáng Lâm Thao bón cho lúa mà cho cả rau. "Trước kia, sau mỗi đợt trồng phải cho đất nghỉ mấy hôm. Nay mình trồng luôn đợt mới chả cần nghỉ mà rau vẫn lên nhanh, xanh tốt".
Theo kỹ sư nông nghiệp Phạm Đức Thành (Phó Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất lâm Thao), rau ở ruộng của ông Diệp xanh và lên nhanh là do thành phần của phân hữu cơ khoáng có lượng lớn mùn hữu cơ và phân động vật hoạt hóa. Thành phần này có tác dụng cải tạo đất trồng, giúp đất màu mỡ hơn.
Anh Nguyễn Văn Thìn (công nhân bộ phận đóng bao) đóng gói phân hữu cơ khoáng Lâm Thao loại 4-2-2+3S+TE, ngày 25/8/2021. Ảnh: Hà Anh Tuấn.

Cố gắng hạn chế mùi

Góp ý nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Diệp nói: "Đôi khi bón thấy phân có mùi. Biết là mùi của phân động vật trong đó rồi. Nếu cải tiến để không có chút mùi nào thì sẽ hay hơn".
Theo ông Văn Khắc Minh, mùi của phân thoát ra từ thành phần phân động vật. Nó đã được hoạt hóa khử độc. Công ty đã cố gắng khử mùi nhưng đôi khi chưa đạt đến giới hạn mong đợi của bà con. Các giải pháp khoa học công nghệ sẽ tiếp tục được áp dụng để hạn chế tối đa mùi, nâng cao hơn nữa giá trị sử dụng, ông Minh cho biết.
 
Công thức bón phân hữu cơ khoáng HCK Lâm Thao 2-4-2+2S+TE
Chuyên dùng bón lót, bón thúc cho các loại cây trồng
Nhóm cây Loại cây  Tổng lượng bón/vụ (hoặc/năm)
Cây lương thực Lúa, ngô,... 40 ÷ 45 kg/sào Bắc Bộ (360m2)
Cây có múi Cam, quýt, bưởi... 1,5÷2,5 kg/cây (giai đoạn trồng mới)
2÷3,5 kg/cây (giai đoạn kiến thiết cơ bản)
3 ÷5 kg/cây (giai đoạn kinh doanh)
Cây ăn quả lâu năm Nhãn, vải, mận, bơ,... 2,5÷4 kg/cây (giai đoạn trồng mới)
5÷6 kg/cây (giai đoạn kiến thiết cơ bản)
6 ÷8 kg/cây (giai đoạn kinh doanh)
Nhóm cây rau Rau ăn lá, quả, thân, củ 25÷120 kg/sào Bắc Bộ (360m2)
Cây công nghiệp Chè, cafe,...  1500 ÷ 2500 kg/ha
Cây hoa Hoa hồng, cúc, layon,... 30÷160 kg/sào Bắc Bộ (360m2)

Thúy Nga